Google Translate

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

BÀI 1: TÌM HIỂU SƠ TÀI CHÍNH - PHẦN 1: THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC

Để tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ cần tìm hiểu ý nghĩa của những khái niệm tài chính - Ảnh minh họa: Lê Toàn
(TBKTSG Online) - Có thể nhiều người đọc tên chủ đề "Hiểu sơ Tài chính để chơi Chứng khoán" muốn tìm hiểu ngay cách đọc các bản báo cáo tài chính, ý nghĩa của các từ chuyên môn như IRR, NPV, cách định giá cổ phiếu... Xin bình tĩnh, trước tiên, chúng ta hãy cùng giải quyết một số khái niệm cơ bản sẽ làm nền tảng cho các chương sau. Có lẽ khi nói “Thời giờ là tiền bạc”, ông bà chúng ta không nghĩ đến chuyện tài chính. Họ chỉ muốn khuyên con cháu không nên lãng phí thời gian. Thế nhưng, trong tài chính, khái niệm “Giá trị thời gian của tiền bạc” có tầm quan trọng bao trùm lên mọi hoạt động tài chính.
Năm 1987, bức tranh hoa hướng dương của Van Gogh bán được 36 triệu đô-la. Năm 1889, tức là trước đó 98 năm, giá bức tranh này chỉ có 125 đô-la. Chúng ta có thể chặc lưỡi than rằng danh họa như Van Gogh cũng phải đợi gần trăm năm, tranh của ông mới có giá cao ngất trời như thế. Nhưng giả thử chúng ta dùng 125 đô-la, đầu tư suốt từ năm 1889 đến 1987, chỉ cần lãi suất 13,7% mỗi năm (thấp hơn so với những hứa hẹn chia cổ tức của nhiều công ty), sau 98 năm, 125 đô-la đó cũng sinh lời thành 36 triệu đô-la.
Thêm một ví dụ nữa, năm 1790, một người bỏ tiền mua một mảnh đất ở trung tâm một thành phố lớn với giá chỉ có 58 đô-la. Đến năm 2001, mảnh đất này có giá chừng 1 triệu đô-la. Chà, chà, các bạn sẽ nghĩ, đầu tư vào đất là ăn chắc nhất, giá chỉ có lên, chứ không xuống. Thế nhưng nếu tính theo giá trị thời gian, chỉ cần lãi suất 5%/năm, món tiền 58 đô-la từ năm 1790 đến 2001 cũng đã lên trên 1,7 triệu đô-la chứ đâu cần mua đất.
Nếu xét theo cảm tính, giả dụ có ai cho ta 1 triệu đồng với hai chọn lựa: nhận ngay bây giờ hay để sang năm mới nhận, chắc chắn chúng ta, dù không biết gì về tài chính, cũng sẽ chọn nhận ngay bây giờ – dưới ảnh hưởng của giá trị tiền bạc theo thời gian.  
Lãi mẹ đẻ lãi con
Tác động đến giá trị tiền bạc theo thời gian là cơ hội sử dụng ngay đồng tiền nằm trong tay. Để đánh đổi cơ hội này, chúng ta phải được đền bù bằng khoản tiền cộng thêm gọi là lãi suất. Thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến loại lãi suất đơn, với những tính toán thật “phi tài chính”. Chẳng hạn, chúng ta bỏ vào ngân hàng 100 triệu đồng, lãi suất hàng năm 8%, chúng ta cứ yên trí 10 năm sau, tiền của chúng ta sẽ thành 180 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như ông bà ta đã nói “Lãi mẹ đẻ lãi con”, không ai, trong thế giới tài chính, lại tính toán theo lãi suất đơn như thế. Một trăm triệu đồng bỏ vào ngân hàng, sau một năm, với lãi suất 8%, đúng là tăng thành 108 triệu đồng. Năm thứ nhì, khoản tiền này tăng lên – không phải chỉ 116 triệu – mà là 116,64 triệu vì gồm khoản lãi 8 triệu trên 100 triệu tiền vốn và 640.000 đồng trên 8 triệu tiền lãi của năm thứ nhất. Cứ thế, nếu chúng ta không rút lãi ra để chi xài, năm thứ ba, trong tài khoản của chúng ta đã có đến 125,97 triệu (chứ không phải 124 triệu). Và đến năm thứ 10, thay vì con số 180 triệu khiêm tốn chúng ta tính ở trên theo lãi suất đơn, bây giờ trong tay chúng ta đã có 215,89 triệu đồng vì tính theo lãi suất kép. Chẳng lạ gì nhiều người nói lãi kép là “phát minh” quan trọng nhất của giới tài chính.
Để hình dung “sức mạnh” của lãi kép, chúng ta hãy nhìn vào bảng dưới, so sánh lãi đơn và lãi kép khi dùng 1 đồng đầu tư theo thời gian khác nhau với mức lãi 8%/năm:
Năm
        Theo lãi đơn                  
Theo lãi kép
2
1,16 đồng
1,17 đồng
20
2,60 đồng
4,66 đồng
200
17 đồng
4.838.949,59 đồng
Không sai đâu, sau 200 năm, khác biệt giữa hai cách tính lãi suất đã lên chỗ một trời một vực (17 đồng so với gần 5 triệu đồng).
Cách tính lãi kép cũng đơn giản. Để chúng ta tiện theo dõi nếu sau này quyết định đi sâu, đọc sách về tài chính, hãy sử dụng những từ ngữ sách giáo khoa tài chính thích dùng. Nếu gọi giá trị tương lai của khoản tiền chúng ta sẽ nhận được dưới tác động của lãi kép là FV (future value), giá trị hiện tại của khoản tiền chúng ta bỏ ra đầu tư là PV (present value), n là số năm đầu tư, và i (interest) là lãi suất, chúng ta có công thức:
FV = PV x (1+i)n
Ở đây chúng ta thấy ba chuyện: thứ nhất, dân Anh, Mỹ đọc sách tài chính dễ hơn chúng ta vì công thức tính toán chỉ là viết tắt những từ họ đã quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thì phải làm quen với những từ xa lạ, trong khi những người viết sách giáo khoa đôi lúc thích dùng từ “đao to búa lớn” mang tính đe dọa như hiện giá, như thừa số lãi suất tương lai. Thứ hai, các cuốn sách giáo khoa về tài chính đã tính sẵn (1+i)n cho chúng ta với nhiều giá trị lãi suất hay số năm khác nhau và in thành bảng ở cuối sách.
Thứ ba, ngày nay những phần mềm tài chính, các loại máy tính bỏ túi chuyên dùng có sẵn chức năng tính toán những thông số nói trên. Chỉ cần điền PV, n, i, máy sẽ tính FV; hay khi đã có PV, FV, n, máy sẽ cho ngay kết quả lãi suất i bằng bao nhiêu, chúng ta không cần nhớ công thức làm gì cho mệt.
Nếu đã nắm khái niệm này, nay giả thử có ai tư vấn: đầu tư vào cổ phiếu lời lắm, có 100 triệu, mỗi năm lãi 25%, chỉ cần bốn năm sau là có số tiền gấp đôi tiền vốn ban đầu, chúng ta biết ngay anh chàng này không phải là dân tư vấn chuyên nghiệp!
(TBKTSG Online sẽ lần lượt đăng tải các phần tiếp theo). 
CẨM NHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét